(VnMedia) - Mỗi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Mobile Broadband (truy cập Internet tốc độ cao từ máy tính thông qua sóng di động) thông qua USB 3G lại có một thế mạnh riêng. Người dùng hãy cùng VnMedia phân tích để đưa ra lựa chọn hợp lý nhất.
Là một trong số những dịch vụ “đinh” khi nhà mạng triển khai công nghệ 3G, sau gần hai năm có mặt trên thị trường, Mobile Broadband (truy cập Internet tốc độ cao từ máy tính thông qua sóng di động) đang ngày càng thể hiện tính hấp dẫn bởi nhiều yếu tố: giá cước, chất lượng dịch vụ, vùng phủ sóng… Tuy nhiên, cũng như các dịch vụ khác, sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lại thể hiện ở những ưu điểm nổi trội riêng phù hợp với từng đối tượng khách hàng khác nhau.
Để sử dụng dịch vụ này, khách hàng sẽ phải sắm cho mình một thiết bị kết nối Internet với máy tính (USB 3G) cùng với một SIM số di động trả trước hay trả sau đi kèm. Hiện giờ, cả bốn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gồm VinaPhone (tên dịch vụ là Mobile Broadband), MobiFone (tên dịch vụ là Fast connect), Viettel đều cung cấp dịch vụ theo hai hình thức trả trước và trả sau để người dùng lựa chọn.
Nếu xét về giá cả thiết bị, hiện giờ, Viettel đang có giá thành USB rẻ nhất, dao động trong khoảng 680 ngàn đồng đến 780 ngàn đồng.
Giá cước thiết bị, sản phẩm USB 3G của VinaPhone nhỉnh hơn chút ít, có hai mức giá tuỳ thuộc vào kiểu dáng, tốc độ truy cập của thiết bị. Thấp nhất là 799.000đ/bộ (có kèm SIM), 784.000đ/bộ (không kèm SIM) và cao nhất có giá bán 999.000đ/bộ (có kèm SIM), 984.000đ/bộ (không kèm SIM).
MobiFone hiện có hai loại thiết bị Fast Connect E1800 & MF633 (hỗ trợ tốc độ tối đa 7,2 Mbps) có giá bán (đã bao gồm VAT) trên 1 triệu đồng/bộ. Thiết bị đã bao gồm Sim Fast Connect trả trước hoặc trả sau.
Nhưng nếu xét về khía cạnh giá cước của dịch vụ Mobile Broadband, hiện giờ, ưu thế lại không thuộc về Viettel. Lý do, nhà mạng này rất ít khi có khuyến mại cho người dùng sử dụng dịch vụ này. Tiền cước dịch vụ chỉ được dùng từ tài khoản chính chứ không từ vào tài khoản khuyến mại.
Trong khi đó cả VinaPhone và MobiFone vốn khá đều đặn tung ra các chương trình khuyến mại cho các khách hàng, và không quên dành cả ưu ái cho người dùng dịch vụ Mobile Internet, đặc biệt là VinaPhone. Theo tính toán thực tế, dù giá thành đầu tư ban đầu cao nhưng khi sử dụng lại liên tục được khuyến mại, người dùng sẽ giảm chi phí đi khá nhiều.
Không chỉ có vậy, khách hàng của VinaPhone và MobiFone còn hơn hẳn Viettel là cả 2 mạng này đều cho phép dùng từ tài khoản khuyến mại nên với các sim trả trước được nhân hơn 3 lần. Vì vậy, cước mà người dùng VinaPhone, MobiFone phải trả thấp hơn nhiều Viettel.
Với các ưu đãi hiện giờ, nếu người dùng nếu khách hàng muốn dùng Internet di động với dung lượng lớn thì sự lựa chọn tốt nhất là VinaPhone, đặc biệt nên dùng hình thức trả trước. Liên tục nhiều tháng này, trung bình mỗi tháng, VinaPhone tung ra tới 2-3 chương trình ngày Vàng dành cho thuê bao của họ.
Nếu sử dụng dịch vụ Mobile Broadband trả trước, mỗi dịp ngày Vàng, bao giờ khách hàng cũng được tặng 100% giá trị cho các thẻ nạp tài khoản khuyến mại. Số tiền bỏ ra chỉ một nhưng người dùng lại có thể dùng dịch vụ với dung lượng tăng tới gấp hai lần.
Đã vậy, trong số 3 nhà mạng, hiện VinaPhone là hãng duy nhất giữ chế độ không giới hạn dung lượng truy cập đối với gói cước 3G có tên MB2. Còn MobiFone và Viettel, các khách hàng chỉ được dùng lưu lượng miễn phí trong giới hạn của gói cước, nếu vượt quá mức này thì phải trả phí phụ thêm.
Nhưng còn khi sử dụng ở mức độ vừa phải, thậm chí có thể thay thế mạng ADSL thì ưu thế giá cước ở thời điểm này lại thuộc về dịch vụ Fast Connect của MobiFone. Hiện giờ, với tốc độ truy cập tối đa là 7,2 Mbps, nếu dùng trả trước, khách hàng phải trả 61,35 đ/MB, nếu chỉ hạn chế 1 tháng dùng hết 100 ngàn đồng thì khách hàng cũng đã có thể được xài tới hơn 1.600MB, hoàn toàn có thể lướt net, vào mạng và thập chí là tải một số dữ liệu cần thiết cho mình.
Còn với trả sau, ngay khi hoà mạng, MobiFone còn miễn phí cho khách hàng một số dung lượng nhất định tuỳ thuộc vào từng gói cước, thấp nhất là 1,3GB và cao nhất là 5,5GB sau đó mới tính cước lưu lượng theo mức 65đồng/MB.
Như vậy, với một USB 3G và một máy tính xách tay, chỉ cần bỏ ra khoảng 100 ngàn đồng đến 250 ngàn đồng/tháng là người dùng dịch vụ đã có thể thoải mái lướt web, xài Internet. Mức cước này cũng tương đương với cước dịch vụ ADSL mà người dùng phải trả mỗi tháng tuỳ thuộc vào mức độ và nhu cầu sử dụng dịch vụ tới đâu.
Hiền Mai - VnMedia