Sau 2 năm phát triển điện thoại IP - Thành công là rất lớn



Kể từ khi IP chính thức được cung cấp trên thị trường đến nay (sau khoảng 2 năm) bởi 3 nhà khai thác Vietel, VNPT và SPT, đối với điện thoại đường dài IP trong nước

Thị phần điện thoại IP trong nước đã đạt 48% và IP quốc tế đạt gần 24% chiều đi và 52% chiều về. Lưu lượng IP quốc tế chiều về 6 tháng đầu năm đạt 149 triệu phút, chiếm 52% tổng lưu lượng điện thoại quốc tế chiều về.

Lưu lượng tăng mạnh
 

Nếu như năm 1997, chúng ta mở ra Internet Việt Nam là bước đi thứ nhất thì năm 2000 việc Tổng cục Bưu điện cho phép công ty Viettel cung cấp thử nghiệm dịch vụ điện thoại VoIP là bước đi thứ hai của quá trình mở cửa thị trường viễn thông Việt Nam. Kể từ khi IP chính thức được cung cấp trên thị trường đến nay (sau khoảng 2 năm) bởi 3 nhà khai thác Vietel, VNPT và SPT, đối với điện thoại đường dài IP trong nước: lưu lượng tăng liên tục và đạt 7,5 triệu phút/tháng, lưu lượng điện thoại IP trên tổng lưu lượng điện thoại đường dài tại những tỉnh có mở dịch vụ IP (có POP) là khá lớn, chiếm thị phần 48% (nếu tính trên tổng lưu lượng điện thoại đường dài trong cả nước thì mới đạt 6%). 


Như vậy là tại những tỉnh có POP thì thị phần của các dịch vụ điện thoại đường dài như sau: điện thoại đường dài truyền thống (IDD) chiếm 52%, điện thoại IP 178 của Vietel chiếm 25%, 171 của VNPT chiếm 21% và 177 của SPT chiếm 2%, trong đó dịch vụ điện thoại IP của Vietel là phát triển mạnh nhất. 


Về điện thoại IP quốc tế: tổng lưu lượng chiều đi quốc tế của cả điện thoại IP và điện thoại truyền thống (IDD) trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 30 triệu phút, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái (tốc độ tăng trung bình hàng năm là khoảng 13-14%). Một phần nguyên nhân của việc tăng khá mạnh này là do giá cước của điện thoại IP quốc tế giảm khoảng 60% so với điện thoại IDD. Và hiện nay lưu lượng điện thoại IP quốc tế chiều đi trong 6 tháng đầu năm đạt khoảng 6,9 triệu phút, chiếm khoảng gần 24% tổng lưu lượng điện thoại quốc tế chiều đi, trong đó 171 quốc tế của VNPT chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 15%, tiếp đến là 178 quốc tế của Vietel chiếm 8% và 177 quốc tế của SPT chiếm 1%.

Đối với điện thoại quốc tế chiều về: tổng lưu lượng chiều về 6 tháng đầu năm đạt 293 triệu phút, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó lưu lượng IP quốc tế chiều về trong 6 tháng đầu năm đạt 149 triệu phút, chiếm 52% tổng lưu lượng điện thoại quốc tế chiều về (171 chiếm 14%, 177 chiếm 19%, 178 chiếm 19%).

Thành công từ định hướng, chính sách phát triển đúng

Để tạo được một thị trường dịch vụ mới phát triển nhanh và tăng trưởng mạnh như điện thoại IP, yếu tố thành công chính là việc tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp mới xâm nhập thành công vào thị trường. Tổng cục Bưu điện đã xây dựng hàng loạt những định hướng, chính sách phát triển điện thoại IP, trong đó có rất nhiều vấn đề về cấp phép, kết nối, giá cước và các chính sách phát triển mang tính đồng bộ khác.

So với những mục tiêu ban đầu đề ra, tất cả các mục tiêu đã đạt được tương đối tốt, như mục tiêu đa dạng hoá dịch vụ, tạo cho khách hàng có sự lựa chọn giữa dịch vụ có chất lượng cao, giá cước cao (IDD) và dịch vụ có chất lượng chấp nhận được, giá rẻ (điện thoại IP). Rồi mục tiêu phát huy nội lực, mở cửa thị trường: điện thoại IP đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mới thâm nhập thị trường dịch vụ viễn thông mà không cần phải đầu tư lớn vào xây dựng cơ sở hạ tầng mạng lưới. Và chính dịch vụ điện thoại IP đã phát huy hiệu quả sử dụng cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp, góp phần hạn chế được tình trạng kinh doanh trái phép dịch vụ viễn thông, rồi tạo ra một công cụ đàm phán khi phía nước ngoài ép phía Việt Nam giảm cước thanh toán quốc tế. Tất cả những điều này đã chứng tỏ tam giác lợi ích Nhà nước - Doanh nghiệp - Khách hàng đã được kết hợp phát triển rất hài hoà.

Nói về định hướng, chính sách phát triển điện thoại IP, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Lê Nam Thắng cho biết, hiện nay điện thoại IP đã được xếp vào dịch vụ viễn thông cơ bản, do đó số lượng doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ điện thoại IP sẽ có giới hạn, và không phải tất cả các thành phần kinh tế đều có thể tham gia thị trường dịch vụ này. Thứ hai, Tổng cục Bưu điện sẽ xây dựng một loạt chính sách về cấp phép, tài nguyên, kết nối, giá cước, chất lượng một cách đồng bộ, để trong thời gian tới tiếp tục phát triển tốt dịch vụ này. Đồng thời, Tổng cục Bưu điện cũng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển mạng lưới để đưa điện thoại IP đến các vùng sâu vùng xa, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng hình thức cung cấp dịch vụ.

Theo PC World.




Được tạo bởi quynhnt
Lần sửa cuối 05/05/06

Giới thiệu PLANETPhản hồi trực tuyến Mua hàng ở đâySơ đồ WebsiteEnglish  

Sử dụng bộ phần mềm TVIS 3.0
© Bản quyền của công ty máy tính NETCOM Co.,Ltd 2000-2016

Số lần truy cập:

Mọi kết nối tới Website này cũng như việc tái sử dụng lại nội dung phải được sự đồng ý của công ty NETCOM Co.,Ltd.
Mọi chi tiết xin liên hệ theo địa chỉ sau: Công ty máy tính NETCOM Co.,Ltd Số 46A/120 Đường Trường Chinh - Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội.
Tel: (04)35737747 , Fax: (04)35737748 , Email: support@netcom.com.vn