1.Chia tải bằng phần mềm cài trên các máy chủ: Kết hợp nhiều server một cách chặt chẽ tạo thành một server ảo (virtual server). Các hệ điều hành cho máy chủ thế hệ mới của các hãng Microsoft, IBM, HP... hầu hết đều cung cấp khả năng này, một số hãng phần mềm khác như Veritas(Symantec) cũng cung cấp giải pháp theo hướng này. Các giải pháp thuộc nhóm này có ưu điểm là quen thuộc với những nhà quản trị chuyên nghiệp, có thể chia sẻ được nhiều tài nguyên trong hệ thống, theo dõi được trạng thái của các máy chủ trong nhóm để chia tải hợp lý. Tuy nhiên, do sử dụng phần mềm trên server, tính phức tạp cao nên khả năng mở rộng của giải pháp này bị hạn chế, phức tạp khi triển khai cũng như khắc phục khi xảy ra sự cố, có rào cản về tính tương thích, khó có được những tính năng tăng tốc và bảo mật cho ứng dụng.
2.Chia tải nhờ proxy: Nhóm này thường tận dụng khả năng chia tải sẵn có trên phần mềm proxy như ISA Proxy của Microsoft hay Squid phần mềm mã nguồn mở cài trên máy phổ dụng. Proxy này sẽ thực hiện nhiệm vụ chia tải trên các server sao cho hợp lý. Giải pháp này vì hoạt động ở mức ứng dụng nên có khả năng caching (là công nghệ lưu trữ cục bộ dữ liệu được truy cập với tần suất cao) và khả năng firewall ở tầng ứng dụng. Vì sử dụng máy phổ dụng nên giải pháp này có ưu điểm là chi phí thấp, khả năng mở rộng tốt vì cài đặt trên một máy độc lập, dễ quản trị. Tuy nhiên, cũng vì chỉ hoạt động ở mức ứng dụng nên hiệu năng không cao, vì sử dụng máy phổ dụng nên không được tối ưu, dễ tồn tại nhiều lỗi hệ thống, vì cài đặt trên một máy độc lập nên việc theo dõi trạng thái của các máy chủ gặp khó khăn. Nhược điểm lớn nhất của các giải pháp dòng này thường có tính ổn định kém, hiệu năng thấp, dễ mắc lỗi. Đây là điều không thể chấp nhận được đối với các hệ thống đòi hỏi tính sẵn sàng cao như ngân hàng, tài chính.
3.Chia tải nhờ thiết bị chia kết nối: Nhóm này thường sử dụng các mođun cắm thêm trên các thiết bị chuyên dụng như Bộ định tuyến (Router) hay hay bộ chuyển mạch (Switch) để chia tải theo luồng, thường hoạt động từ layer 4 trở xuống. Vì sử dụng thiết bị chuyên dụng nên có hiệu năng cao, tính ổn định cao, khả năng mở rộng tốt hơn nhưng khó phát triển được tính năng bảo mật phức tạp như giải pháp proxy, thường thuật toán chia tải rất đơn giản như DNS round-robin (đây là thuật toán chia tải phổ biến nhất và đơn giản, tuy nhiên cứng nhắc và hiệu quả thấp. Với thuật toán này các yêu cầu về IP của một tên miền ứng với nhiều server sẽ được biên dịch thành địa chỉ IP của các server đó theo thứ tự quay vòng. Nhóm này có khả năng chia tải động kém, không theo dõi được trạng thái của máy chủ, xử lý kết nối ở mức ứng dụng rất kém, dễ gây lỗi ứng dụng và giá thành cao. Cách thức này cũng hoàn toàn không phù hợp đối với các hệ thống yêu cầu tính chuẩn xác của các hoạt động giao dịch như tài chính, ngân hàng.
Như vậy, giải pháp có khả năng theo dõi trạng thái ứng dụng tốt thì mở rộng, tăng tốc, bảo mật kém(GP dùng phần mềm). Giải pháp mở rộng, tăng tốc, bảo mật tốt, thì theo dõi trạng thái ứng dụng kém, không ổn định, hiệu năng thấp(GP sử dụng proxy), giải pháp hiệu năng cao, ổn định, mở rộng tốt thì kém thông minh, dễ gây lỗi ứng dụng, tăng tốc kém(GP chia tải nhờ thiết bị chia kết nối). Trong khi đó, tất cả các yêu cầu về hiệu năng cao, ổn định, mở rộng tốt, tăng tốc tốt và bảo mật là rất quan trọng đối với các hoạt động của ngân hàng, chứng khoán và các nhà cung cấp dịch vụ. GP sẵn có của các hãng chỉ đáp ứng được một phần trong các yêu cầu trên như Module CSS của Cisco, ISA của Microsoft, hay Netscaler của Citrix)
Sử dụng thiết bị quản trị lưu lượng: là thiết bị có kiến trúc của một proxy hoàn chỉnh, thiết bị này có khả năng kiểm soát, điều khiển và tối ưu hóa lưu lượng mạng chạy qua nó. Một trong những thiết bị quản trị lưu lượng hàng đầu được biết đến là BIG IP LTM của hãng F5 Network. Đây là một thiết bị chia tải chuyên dụng khai thác tinh tế, thông minh của phần mềm thông qua HĐH riêng TMOS do F5 tự nghiên cứu và phát triển. Thiết bị này sử dụng các thuật toán mềm dẻo để theo dõi tự động trạng thái máy chủ, trạng thái kết nối và khả năng đáp ứng của ứng dụng tương tự giải pháp sử dụng phần mềm chạy trên máy chủ nhưng nhờ có HĐH riêng chuyên dụng được “cứng hóa”(hardened) nên bảo mật hơn và có khả năng xử lý song song, phân luồng gói tin một cách thông minh, nhanh chóng.
Nhờ đó, BIG IP LTM được coi là một bước tiến vượt bậc không chỉ trong công nghệ cân bằng tải mà còn về công nghệ bảo mật bởi nó có thể tích hợp các tính năng của Firewall, có khả năng phòng chống hiệu quả các hình thức tấn công DoS, có hỗ trợ các chuẩn bảo mật tiên tiến nhất nhất là FIPS 140-2 Level 2 và HIPAA. BIG-IP LTM được đánh giá cao ở tính năng bảo mật nhờ khả năng nhận dạng tấn công đến tận tầng ứng dụng thông qua việc ảo hóa, và che dấu các lỗi ứng dụng, lỗi phần cứng, real URL, những gì có thể làm căn cứ cho hacker tìm ra điểm yếu của hệ thống để tấn công. Đặc biệt F5 tăng cường bảo mật cho kết nối SSL với khả năng mã hóa, giải mã (cả khóa và dữ liệu) bằng phần cứng. Hơn nữa HĐH TMOS được kết hợp giữa kiến trúc phần cứng xử lý hiệu năng cao với kiến trúc phần mềm module hóa tới từng giao thức, cộng với khả năng quản trị hệ thống ở mức thời gian thực đã xóa bỏ rào cản công nghệ của cả hai nhóm appliance và software.
F5 BIG-IP LTM có thuật toán cân bằng tải phong phú và thông minh dựa trên cơ chế tĩnh và động, bao gồm Round-Robin, Dynamic Ratio, Least Connections, Fastest, Predictive và Observed khắc phục hoàn toàn nhược điểm của phương pháp cân bằng tải cứng nhắc dựa trên thuật toán DNS round-robin.