Nhiều nhà máy sản xuất cáp đồng thông tin đang đứng trước nguy cơ phải ngưng hoạt động do các DN chuyển sang sử dụng cáp quang.
Khách hàng quay lưng với DN cáp
Hiện Việt Nam có khoảng gần 20 nhà máy sản xuất cáp đồng thông tin, trong đó có khoảng 10 nhà máy thuộc Tập đoàn VNPT. Thế nhưng, những nhà máy sản xuất cáp này đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì nhiều nguyên nhân.
Tuy các DN sản xuất cáp tuyên bố dành một lượng không nhỏ cho xuất khẩu, nhưng trên thực tế số DN xuất khẩu được ra nước ngoài rất ít và chỉ với số lượng không đáng kể. Hiện khách hàng chủ yếu của các DN sản xuất cáp đồng thông tin vẫn là VNPT. Một thực tế hiện nay, nhiều DN viễn thông khác lại không tỏ ra mặn mà với những DN sản xuất cáp trong nước mà đặt mua số lượng lớn từ thị trường nước ngoài. Lý do của việc không mặn mà này được các DN viễn thông lý giải là do giá cả trong và ngoài nước chênh nhau nhiều nên họ quyết định đặt mua hàng từ thị trường nước ngoài với giả rẻ hơn.
Trong khi các DN cáp tập trung vào thị trường VNPT làm nguồn sống chính của mình thì từ cuối năm 2007, VNPT đã bắt đầu thay đổi chiến lược tăng đầu tư cáp quang và truyền dẫn vô tuyến, giảm dần các dự án đầu tư cáp đồng. Một trong những nguyên nhân của việc điều chỉnh này vì chi phí đầu tư cáp quang kinh tế và hiệu quả hơn cáp đồng. Chẳng hạn, nếu đầu tư cáp quang loại 16 có giá khoảng 17.000-18.000 đồng/m, trong khi cáp đồng loại 50 đôi giá tới 30.000-40.000 đồng/m, nhưng dung lượng chỉ bằng 1/3 cáp quang.
"Thắt lưng buộc bụng" qua cơn bĩ cực
Ông Nguyễn Duy Bắc Việt, Phó TGĐ Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTIC) cho biết, giá nguyên liệu sản xuất cáp đồng từ đầu năm tới nay đã tăng cao hơn nhiều (hiện giá đồng nguyên liệu đã tăng khoảng 30% so với đầu năm). Vì vậy, nếu cộng với việc phải thanh toán tiền ngay khi giao hàng cho bên cung cấp nguyên liệu và lãi suất vay vốn ngân hàng cao đang khiến các nhà máy sản xuất cáp đồng đã khó khăn lại càng khó hơn.
"Trước đây các công ty con của VNPT (Viễn thông các tỉnh, TP) thanh toán trực tiếp cho các nhà thầu cáp, còn bây giờ các dự án đầu tư tập trung tại tập đoàn phải tổng hợp, rà soát và cân đối tài chính sau đó tập đoàn trực tiếp thanh toán cho chúng tôi. Điều này đã dẫn đến tiến độ thanh toán cho các nhà thầu chậm hơn. Thời gian thanh toán thường là sau 1-3 tháng", ông Việt cho biết thêm.
PTIC là một trong số khoảng 10 công ty con thuộc VNPT có nhà máy sản xuất cáp đồng và bên cạnh lĩnh vực này còn kinh doanh và sản xuất một số lĩnh vực khác. Hiện PTIC hoạt động trên 3 lĩnh vực: xây dựng các công trình viễn thông và nhà ở; sản xuất cáp đồng thông tin và ống nhựa; đầu tư tài chính. "Để giải quyết khó khăn, chúng tôi buộc phải thực hiện các giải pháp giảm vốn vay ngân hàng bằng cách giảm bớt hàng tồn kho, lượng dự trữ nguyên liệu để thu hồi vốn và thanh toán cho ngân hàng; tăng cường công tác thu hồi nợ (hiện các thành viên của VNPT đang nợ PTIC khoảng 200 tỷ đồng); tiết kiệm tối đa các chi phí văn phòng (chi phí này trong 6 tháng qua đã giảm tới 50%); cố gắng tìm cách chuyển hướng đầu tư sản xuất sang một số lĩnh vực khác như sản xuất ống nhựa…", ông Việt nói.
Cũng theo ông Việt, dây chuyền sản xuất cáp đồng của PTIC bắt đầu hoạt động từ giữa năm 2006 với số vốn đầu tư là 36 tỷ đồng, hiện đã khấu hao vốn được một nửa. Theo hợp đồng đã ký trước đây với Viettel và FPT thì công nhân của PTIC còn "việc làm" đến tháng 9 tới. Tuy nhiên, những cố gắng của PTIC cũng chỉ giúp cho các CBCNV trong công ty đến nay không bị chậm lương, còn thu nhập vẫn bị giảm khoảng 10% so với năm ngoái.
Rõ ràng trong cơn bĩ cực, các DN sản xuất cáp đồng vẫn cần sự chuyển mình tìm hướng đi mới cho mình chứ không thể "bỏ trứng một giỏ".
Theo quantrimang.com