Việc làm giảm xung nhịp ánh sáng có thể mang lại một dòng lưu thông dữ liệu có thứ tự hơn trong các mạng, và sau đó có thể dẫn tới khả năng...
Các chuyên gia tại UC Berkeley cùng các nhà khoa học tại các trường ĐH Oregon và Illinois (Mỹ) cho biết có thể làm chậm tốc độ ánh sáng nhằm giúp tăng tốc độ truyền tải các bộ phim tới chiếc máy tính của bạn.
Các nhà khoa học tại các trường đại học trên đã cố gắng làm chậm tốc độ ánh sáng truyền qua một chất bán dẫn xuống còn 6 dặm (9,6km)/giây, tương đương chậm gấp 31.000 lần so với tốc độ ánh sáng truyền trong môi trường chân không là 186.000 dặm (gần 300.000km)/giây.
Việc làm giảm xung nhịp ánh sáng có thể mang lại một dòng lưu thông dữ liệu có thứ tự hơn trong các mạng, và sau đó có thể dẫn tới khả năng truyền tải các file kích thước lớn được nhanh hơn. Về tiềm năng, nó đồng nghĩa với việc các cuộc hội thảo video trực tuyến độ phân giải cao sẽ không còn bị nghẽn và giật hình (lúc đứng lúc nhanh), hay khả năng cộng tác tốt hơn trên những file 3D phức tạp giữa hai kỹ sư đồ hoạ cách nhau nửa vòng Trái đất.
"Hiện tại, chúng ta chưa khai thác hết được mọi ưu thế của băng thông rộng 20 tera Hertz mà cáp quang có thể cung cấp, do những giới hạn của các hệ thống chuyển đổi tín hiệu quang-điện tử-quang (optical-electronic-optical)." - ông Pei-Cheng Hu, một chuyên gia tại ĐH Berkeley viết báo cáo về nghiên cứu này cho biết - "Nếu làm được điều này, chúng ta sẽ có thể gửi cùng lúc 600 bộ phim dài 2 giờ qua mạng chỉ trong 1 giây".
Trong năm năm qua, các nhà nghiên cứu khác cũng đã làm chậm được tốc độ ánh sáng và thậm chí ngừng lại trong khoảng ánh sáng vài phần triệu giây. Tuy nhiên, các thí nghiệm này thường sử dụng tia laser chiếu qua các đám mây bụi nguyên tử đặc biệt hoặc các tinh thể ở dạng rắn.
Theo ông Connie Chang-Hasnain, một giáo sư kỹ thuật điện tử và nghiên cứu máy tính tại Berkeley, việc sử dụng một chất bán dẫn để làm chậm ánh sáng có thể đưa ra một cơ hội lớn hơn cho các ứng dụng thức tế của ánh sáng tốc độ thấp.
Chẳng hạn, một ứng dụng có thể dựa vào việc loại trừ quá trình truyển đổi quang-điện tử có trong các hệ thống truyền thông cáp quang. Các tín hiệu được truyền ở tốc độ 62.000 dặm/giây (99.200km/giây) qua sợi cáp quang. Tuy nhiên, cuối cùng, các tín hiệu này phải được chuyển đổi thành tín hiệu điện tử, loại tín hiệu mà các chip silicon sử dụng để truyền tải thông tin.
Các tín hiệu điện chậm hơn rất nhiều so với tốc độ truyền của sợi cáp quang, và tạo ra các "nút cổ chai" cho mạng. Một lĩnh vực mới, quang-điện tử (opto-electronics) đã được phát triển để đáp ứng tốt hơn sự kết hợp giữa tốc độ của cáp quang với các thiết bị bán dẫn. Bằng cách giảm tốc ánh sáng - và phát triển các loại chip có thể xử lý trực tiếp những xung ánh sáng "bán chậm" (semislow) - dữ liệu sẽ không còn cần phải trải qua quá trình chuyển đổi tín hiệu quang-điện tử-quang như hiện tại nữa. Tất nhiên, sẽ còn cần có một số lượng nghiên cứu đáng kể nữa, trước khi quy trình "bán chậm ánh sáng" được đưa vào sản phẩm thương mại.
Nhóm nghiên cứu Berkeley đã sử dụng một công nghệ có tên dao động phân bố nhất quán (coherent population oscillation) để làm chậm ánh sáng. Quá trình này được thực hiện bằng cách chiếu hai tia laser có tần số hơi khác nhau một chút, để tạo ra một mẫu hình giao thoa. Các thí nghiệm này được thực hiện ở môi trường nhiệt độ 10 Kelvin, hay âm 442 độ Fahrenheit hoặc âm 263 độ C.
Theo CNET.