Internet, cơ sở hạ tầng thiết yếu



Đã ba tuần kể từ khi nước Pháp bắt đầu thực hiện việc cách ly xã hội vào ngày 17/3, cả nhà tôi gần như không ra ngoài. Ngoại trừ việc đi siêu thị một lần mỗi tuần, tất cả mọi hoạt động liên quan đến cuộc sống hằng ngày đều được thực hiện qua mạng Internet tại nhà riêng.

Mỗi ngày, vợ chồng tôi đều sử dụng các nền tảng như Microsoft Teams, Google Hangouts để họp hành và làm việc của công ty. Còn các con tôi thì sử dụng email và blog để trao đổi với thầy cô giáo. Thậm chí đến việc học múa của cô con gái lớn cũng được thực hiện qua nền tảng hội nghị truyền hình Zoom.

Làm việc từ xa không quá xa lạ gì với các công ty tại Pháp khi mà từ nhiều năm nay, tùy theo chính sách của từng doanh nghiệp, nhân viên có thể lựa chọn làm việc từ xa từ 1 đến 2 ngày, thậm chí 4 ngày mỗi tuần. Lợi ích của làm việc từ xa thì tất cả mọi người đều thấy rõ. Nó góp phần giảm ách tắc giao thông, giảm khí thải ra môi trường cho xã hội, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của bản thân và gia đình.

Tuy nhiên, việc cả nước Pháp phải dịch chuyển hoạt động lên không gian số là một việc hoàn toàn khác. Những ngày đầu tiên, cả nhà tôi gặp khá nhiều trục trặc trong việc kết nối. Cũng giống như chạy xe trên đường cao tốc, vào giờ cao điểm 9 giờ sáng hoặc 14 giờ chiều, vợ chồng chúng tôi gần như không thể vào được hệ thống mạng nội bộ của công ty để làm việc và phải gọi điện thoại cho bộ phận công nghệ thông tin để hỗ trợ. Trong những ngày đó, các bộ phận công nghệ thông tin của doanh nghiệp, các kĩ thuật viên của nhà mạng viễn thông gần như phải làm việc 24/7 để bảo đảm đường truyền, giúp hệ thống Internet nội bộ doanh nghiệp cũng như toàn quốc hoạt động một cách trơn tru và hiệu quả.

Chúng tôi cũng gặp tình trạng tương tự với các trang web thương mại điện tử. Do ngại ra ngoài, vợ tôi đã thử đi chợ và mua đồ ăn qua mạng. Tuy nhiên, việc chốt giao dịch hoàn toàn không thể thực hiện được. Lúc thì trang web chậm không mua được hàng, lúc thì mua xong nhưng không đặt được lịch giao hàng hay nhiều người dùng vào cùng lúc khiến trang web tạm đóng cửa.

Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Nielsen, trong tuần lễ đầu tiên của cách ly xã hội (16-22/03), người dân Pháp đã đặt hết tất cả lịch hẹn giao hàng tại nhà cũng như lấy hàng chuẩn bị sẵn tại siêu thị. Tổng doanh số của các bộ phận thương mại điện tử trong ngành thực phẩm Pháp trong tuần lễ này đã đạt đến 250 triệu euros (tương đương 6.500 tỷ đồng).

Mặc dù Pháp là nước khá phát triển trên thế giới về các lĩnh vực như chính phủ số, thương mại điện tử, cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet. Nhưng thông qua kinh nghiệm cá nhân trong ba tuần vừa qua, tôi thấy sự chuẩn bị cho cả nước Pháp hoạt động trên không gian số, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, đã không theo kịp diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Việt Nam cũng đã thực hiện việc cách ly xã hội từ ngày 1/4. Trong mấy ngày gần đây, khi nhiều trường học và công sở bắt đầu chuyển sang hình thức học tập và hội họp trực tuyến, nhu cầu dùng Internet tại Việt Nam cũng tăng đột biến. Lưu lượng người dùng băng thông cố định của FPT Telecom đã tăng mạnh so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát. Đôi khi một số người than phiền tình trạng dịch vụ mạng chập chờn, khiến việc học tập và làm việc bắt đầu gặp khó khăn.


Việt Nam cần đặt vị trí của Internet cũng thiết yếu ngang hàng với hệ thống giao thông, hệ thống năng lượng và hệ thống nước sạch.

Từ hai năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực định vị Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như chủ động thực hiện chương trình chuyển đối số quốc gia để tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Đợt dịch bệnh này cho chúng ta cơ hội tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nhanh chóng các dự định đó.

Tuy nhiên để đảm bảo sự thành công của các dự án này, một trong những điều kiện tiên quyết đó là sự thông suốt của hệ thống mạng viễn thông và Internet quốc gia. Chúng ta không thể chạy xe với vận tốc cao nếu đường xa lộ không cho phép. Vì vậy, Việt Nam cần đặt vị trí của Internet cũng thiết yếu ngang hàng với hệ thống giao thông, hệ thống năng lượng và hệ thống nước sạch. Cung cấp nguồn Internet tốc độ cao, an toàn và ổn định cho tất cả người dân và doanh nghiệp chính là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy việc giữ vững an ninh quốc gia và phát triển các hoạt động kinh tế trong và sau dịch bệnh.

Để thực hiện mục tiêu đó, Việt Nam cần thực hiện nhanh một số chương trình cụ thể như : triển khai hạ tầng băng thông rộng chất lượng cao trên toàn quốc, đồng thời sớm phát triển hạ tầng và thương mại hoá mạng di động 5G. Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật...

Trong hơn 20 năm qua, Việt Nam đã từng rất thành công trong việc phổ cập hóa Internet và điện thoại di động đến từng người dân không chỉ ở thành thị mà ngay cả ở vùng sâu, vùng xa. Do đó, chúng ta chắc chắn có tiền đề để tự tin trong việc phát triển hạ tầng số phục vụ cho nhu cầu đang bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu.


» Các tin khác trong Kết nối Internet:
» Vì sao các ứng dụng video Việt chưa thể chạy tốt trên mọi băng thông Internet như YouTube, Facebook?
» Microsoft Edge trở thành trình duyệt lớn thứ hai trên thế giới
» Các trang mạng và ứng dụng của Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi sự cố cáp biển AAG
» Dân Việt Nam quan tâm kết quả sổ xố nhất thế giới
» Điều gì khiến VN vào top 5 nước kém văn minh Internet nhất thế giới?
» Hôm nay, Facebook Messenger đổi giao diện: Nhanh hơn gấp đôi, nhẹ hơn gấp bốn
» Siết chặt các quy định về thuế đối với người kinh doanh qua Facebook, Youtube... từ ngày 1/7
» 'Mình đã bỏ facebook và cảm thấy rất tuyệt'
» Facebook phải trả bao nhiêu tiền cho thông tin cá nhân của người dùng?


Được tạo bởi chauvn
Lần sửa cuối 27/4/2020

Giới thiệu PLANETPhản hồi trực tuyến Mua hàng ở đâySơ đồ WebsiteEnglish  

Sử dụng bộ phần mềm TVIS 3.0
© Bản quyền của công ty máy tính NETCOM Co.,Ltd 2000-2016

Số lần truy cập:

Mọi kết nối tới Website này cũng như việc tái sử dụng lại nội dung phải được sự đồng ý của công ty NETCOM Co.,Ltd.
Mọi chi tiết xin liên hệ theo địa chỉ sau: Công ty máy tính NETCOM Co.,Ltd Số 46A/120 Đường Trường Chinh - Phương Mai - Đống Đa - Hà Nội.
Tel: (04)35737747 , Fax: (04)35737748 , Email: support@netcom.com.vn